Có một nỗi sợ mang tên… ăn rau
Nguyễn Thị Thanh Huyền (18 tuổi),ạisaonhiềubạntrẻsợă789club ngụ tại P.Ka Long, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cho biết từ khi còn nhỏ đến hiện tại thì cô nàng không ăn bất kỳ loại rau xanh nào. Trong chế độ chỉ có thịt, cá và các loại thức ăn khác, ngoại trừ rau. "Mình sợ ăn rau từ nhỏ, cũng không rõ lý do chính xác là gì", Huyền chia sẻ.
Theo Huyền, việc không ăn rau xanh sẽ khiến cơ thể thiếu chất, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làn da và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên do sở thích cá nhân nên cô vẫn chọn không ăn rau và thay vào đó là bổ sung bằng các thực phẩm khác. "Mình có tập ăn, tuy nhiên cảm giác rất đắng nên chưa bao giờ thử lại", Huyền nói.
Hoàng Duy Đạt (24 tuổi), ngụ tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, bày tỏ: "Mình nghĩ tùy khẩu vị mà mỗi người sẽ không ăn được một số món ăn nào đó. Ví dụ như mình thì không thể ăn rau xanh. Nhiều lần thấy người khác ăn ngon lành, mình cũng thử theo nhưng cũng đành... bó tay. Nên mình thật sự hiểu và đồng cảm với những người cùng hoàn cảnh".
Phan Thị Ngọc Lan (22 tuổi), ngụ tại đường Núi Thành, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, cũng đã từng có nỗi sợ tương tự. Lan kể: "Mình thuộc tuýp người kén ăn và nạp ít rau, củ cho cơ thể. Trước khi học đại học, mình rất sợ mỗi khi đối diện với bữa cơm có rau. Chỉ ăn được một số loại như: rau muống, cải thìa. Mình nghĩ một phần là do thói quen và chế độ ăn uống từ nhỏ".
Nhận ra vai trò quan trọng của loại thực phẩm này đối với cơ thể nên Lan đã và đang tập thói quen ăn một số loại rau xanh khác mà trước đó chưa bao giờ thử.
Lý giải về vấn đề này, tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết có nhiều nguyên nhân. "Một số người được sinh ra với gen TAS2R38 bị lỗi khiến họ trở nên nhạy cảm hơn với mùi, đặc biệt các loại rau có vị đắng. Một nguyên nhân khác là do người có ký ức xấu với rau. Bởi con người thường "ác cảm" với vị đắng, hoặc khi còn nhỏ, bố mẹ la mắng về việc không chịu ăn rau, củ. Lớn lên nhiều người cũng có xu hướng ít ăn và thậm chí sợ nếu bị ép ăn loại rau mình đã từng mang ký ức xấu. Một nguyên nhân nữa có thể đến từ thói quen ăn uống thiếu khoa học, thích thịt hay các thực phẩm giàu năng lượng", vị tiến sĩ này chia sẻ.
Giải pháp nào cho tình trạng trên?
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết rau xanh giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, hàm lượng đường, natri và chất béo trong rau chiếm tỷ lệ khá thấp. Một số loại rau có hàm lượng nước cao, dao động từ 84 - 95%. Rau cũng chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa và các gốc tự do gây hại cho tế bào. Việc bổ sung rau xanh cho cơ thể giúp giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tử vong sớm, hỗ trợ kiểm soát đường máu tốt hơn, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư…
Cũng theo tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, việc "từ mặt" các loại rau sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như: nguy cơ thiếu vitamin và khoáng chất; mắc bệnh về đường tiêu hóa (táo bón, trĩ và viêm túi thừa); gây ra một số bệnh ung thư, tiểu đường; tăng cân; chế độ ăn giàu natri, ít trái cây và rau, củ sẽ góp phần làm tăng huyết áp...
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người trưởng thành hằng ngày nên tiêu thụ ít nhất 300 gram rau xanh và từ 100 đến 200 gram hoa quả. Đối với những người sợ ăn rau, nên bắt đầu bằng các loại như: bắp (ngô), cà rốt, đậu Hà Lan, khoai lang… bởi chúng có vị ngọt, sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn. Nên ăn rau xanh kèm với nước chấm hoặc nước xốt ít béo, vì các loại này tạo nhiều màu sắc, kích thích vị giác. Kết hợp rau với món ăn yêu thích như: súp rau củ, nước ép, mì spaghetti, sinh tố… sẽ giúp cung cấp nhiều nguồn dinh dưỡng. Nên thử loại rau gia vị có mùi thơm đặc trưng do chứa tinh dầu như: bạc hà, thì là, tía tô… Việc kết hợp chế biến các loại rau thơm sẽ giúp kích thích hương vị và sự thèm ăn. Ngoài ra, bạn trẻ cũng có thể kết hợp trái cây với các loại rau xanh trong khẩu phần ăn của mình.